DIỄN VĂN KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI 2021 - 2022

Lời đầu tiên, cho phép tôi thay mặt tập thể nhà trường gửi lời chào mừng trân trọng và nồng nhiệt nhất tới toàn thể quý vị đại biểu, các vị khách quý cùng quý thầy cô, các anh, chị học viên và các em SV, HS đang tham dự Lễ Khai giảng năm học 2021 - 2022.
Quý thầy cô, các anh chị HV và các em sinh viên, học sinh thân mến!
Năm học vừa qua, nhà trường đã để lại dấu ấn bởi nhiều thành tích nổi bật và sự kiện quan trọng, trong đó phải kể đến như: Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, ĐHQG-HCM đã trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen ghi nhận sự phát triển về nhiều mặt của nhà trường; đặc biệt là, UBND tỉnh trao tặng cho nhà trường Bằng khen: “Đã có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 29/7/2016 của Tỉnh ủy An Giang về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2016 – 2021”; các tổ chức đoàn thể nhận được bằng khen, giấy khen từ Trung ương và địa phương; nhà trường đã nhanh chóng “gia nhập hệ thống ĐHQG-HCM” về mọi mặt và ổn định, phát triển; Trường Phổ thông THSP đạt thành tích rất cao ở các cấp học,… Tập thể viên chức và người học đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng dịch Covid-19 để hoàn thành kế hoạch năm học; hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch, tiếp đón người dân ngoài tỉnh trở về An Giang do ảnh hưởng của đại dịch, tất cả đã tạo nên dấu ấn tốt đẹp trong sứ mệnh phục vụ cộng đồng.
Hôm nay, mặc dù dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, song, nhà trường vẫn tập trung sức lực để tổ chức Lễ Khai giảng – một ngày mang ý nghĩa cho sự khởi đầu, tạo hứng khởi cho một năm học mới rất đặc biệt với quyết tâm mới của thầy và trò Trường ĐH An Giang, ĐHQG-HCM.
Kính thưa Quý vị đại biểu,
Quý thầy cô và các anh, chị HV, các em SV, HS thân mến!
Năm học mới này, Trường ĐHAG xác định chủ đề: “Tự chủ đại học – Hội nhập hệ thống”. Đây là năm học nhà trường đón nhận SV khóa 22 bậc Đại học và cũng là khóa thứ 2 có thời gian học trọn vẹn với tư cách là sinh viên Trường Đại học thành viên ĐHQG-HCM. Thay mặt lãnh đạo nhà trường, tôi xin khái quát nhóm nhiệm vụ cơ bản nhất của năm học mới sau đây:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng; triển khai Nghị quyết đại hội các cấp ủy Đảng và pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức về vai trò của Trường ĐH An Giang về tầm nhìn, sứ mạng mới là “Đại sứ của ĐHQG-HCM tại ĐBSCL”;
Hai là, cải tiến chương trình đào tạo theo Bộ phẩm chất và năng lực sinh viên tốt nghiệp ĐHQG-HCM; đổi mới công tác tuyển sinh nhằm tuyển chọn thí sinh giỏi, phát triển môi trường học tập và hỗ trợ người học trau dồi kỹ năng khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số; phát triển văn hóa chất lượng và hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; hoàn thành đánh giá ngoài 8 chương trình đào tạo theo chuẩn Đông Nam Á - AUN-QA và giai đoạn I của 4 chương trình đào tạo theo chuẩn châu Âu - FIBAA;
Ba là, hoàn thiện các quy định, quy chế về tự chủ học thuật, tổ chức – nhân sự, tài chính – tài sản; triển khai kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2025; kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý và hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý, phát huy dân chủ và nâng cao năng lực quản trị nhà trường;
Bốn là, chủ động triển khai biện pháp về phòng, chống dịch, dạy và học trong điều kiện dịch Covid-19 để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu khoa học trong sinh viên; tăng cường công bố quốc tế; ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo; tăng cường công tác sở hữu trí tuệ; phát triển hợp tác quốc tế trong tình hình mới;
Năm là, thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, giải pháp, mô hình sáng tạo trong quản lý, nghiên cứu, giảng dạy và học tập, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.
Các em tân sinh viên thân mến!
Thầy chúc mừng các em đã đạt được ước mơ trúng tuyển vào Trường ĐH An Giang, ĐHQG-HCM. Hiện tại, do dịch Covid-19, chúng ta chưa thể trực tiếp gặp nhau được. Do vậy, buổi Lễ Khai giảng hôm nay được diễn ra với hình thức trực tuyến. Có lẽ, đây là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của cả thầy và trò chúng ta. Những buổi học đầu tiên bằng hình thức trực tuyến cũng đã bắt đầu. Thầy cũng biết rằng, các em gặp nhiều khó khăn khi học với hình thức này. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, không có cách nào khác tốt hơn, trong khi chúng ta không thể lùi kế hoạch dạy và học lâu hơn nữa. Chính vì vậy, tôi mong rằng, thầy và trò chúng ta hãy hợp tác chặt chẽ, nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đề ra và cũng là để đảm bảo quyền lợi của mình. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng dặn dò, chúng ta phải chủ động, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, thực hiện thành công vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học với phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học"1 .
Kính thưa Quý vị đại biểu,
Quý thầy cô và các anh, chị học viên, các em SV, HS thân mến!
Nhân buổi Lễ Khai giảng đặc biệt này, tôi xin có đôi điều chia sẻ với quý thầy cô, các anh, chị học viên và các em SV, HS để tất cả chúng ta cùng suy ngẫm.
Nhiều người lo lắng rằng, dạy và học trực tuyến sẽ không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có ai trả lời được câu hỏi một cách chắc chắn rằng: “Khi nào đại dịch Covid-19 kết thúc”; “Khi nào thầy và trò có thể trở lại trạng thái giảng dạy và học tập bình thường?”. Do đó, dạy và học trực tuyến chính là giải pháp tốt nhất trong điều kiện mà chúng ta không thể trì hoãn hoạt động giáo dục. Những trang sử hào hùng của dân tộc ta còn mãi khắc ghi những bài học về giáo dục. Dẫu trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, thiếu thốn mọi thứ, nhân dân ta ngày ấy vẫn kiên trì dạy và học dưới hầm trú bom, trong cả rừng sâu, khu chiến hào… Tôi mong rằng, thế hệ hôm nay hãy tiếp nối và phát huy tinh thần vượt khó, hiếu học ngày ấy, góp phần công sức vào công cuộc kiến thiết nước nhà.
Nhìn ra thế giới, hệ thống giáo dục của bất kỳ quốc gia nào cũng phải hoạt động liên tục để thích nghi với tình hình mới. Ngay trong trạng thái bình thường, họ vẫn áp dụng hình thức giảng dạy và học tập trực tuyến với một tỷ lệ nhất định. Từ hơn 10 năm trước, Hoa Kỳ đã bắt đầu phát triển hoạt động giáo dục trực tuyến và hiện nay, Hoa Kỳ được xem là quốc gia dẫn đầu công cuộc cải cách giáo dục trực tuyến trên thế giới. Có thể khẳng định rằng, dạy và học trực tuyến là xu hướng tất yếu của thế giới trong thời gian dịch Covid-19, nó trở thành một giải pháp kịp thời và thông minh nhờ vào những tiến bộ công nghệ. Những khó khăn mà hiện nay ở Việt Nam gặp phải trong học tập và giảng dạy trực tuyến cũng không khác so với nhiều nước mà họ từng đối mặt, chẳng hạn như: nhiều gia đình khó khăn không có điều kiện mua máy tính, kết nối mạng Internet; ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp bằng ánh mắt vốn là những tín hiệu quan trọng đối với người thầy nhưng khó có thể cảm nhận được khi dạy trực tuyến; khó có thể kiểm soát được người học và còn rất nhiều khó khăn khác nữa. Chính vì vậy, nhiều quốc gia bắt đầu tìm giải pháp để khắc phục những hạn chế. Chẳng hạn, Tây Ban Nha xây dựng nền tảng liên lạc và các ứng dụng giúp phụ huynh và thầy, cô chia sẻ, cùng xây dựng quá trình học tập cho con em mình; Bộ Giáo dục Úc khuyến khích thầy, cô, SV, HS và phụ huynh đổi mới phương pháp tiếp cận dạy và học trực tuyến thông qua việc giáo viên soạn chương trình, bài dạy cụ thể của tiết học để người học chuẩn bị tâm thế với yêu cầu cũng phải ngắn gọn, rõ ràng, v.v.. Những giải pháp này đã khắc phục dần hạn chế và đạt được kết quả đáng kể. Do vậy, Việt Nam phải tìm ra giải pháp phù hợp nhằm đạt hiệu quả tốt nhất là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hiện nay.
Quý thầy, cô và các anh, chị HV, SV, HS thân mến!
Hiện tại, Chính phủ, Bộ GD&ĐT và ĐHQG-HCM đã ban hành nhiều văn bản để tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục triển khai hình thức giảng dạy trực tuyến nhằm tạo mọi điều kiện để người dạy và người học tiếp cận dễ dàng nhất. Trường ĐH An Giang cũng đã giảm học phí, cung cấp tài liệu học tập miễn phí cho sinh viên; hợp tác với Tập đoàn Viettel giảm 50% cước 3G, 4G cho người học,… Do vậy, quý thầy, cô và các anh, chị HV, các em SV, HS hãy nhận thức đúng vấn đề để vượt qua hoàn cảnh. Trong trường hợp này, cả thầy và trò chúng ta phải nghĩ đến tục ngữ: “Cái khó ló cái khôn”, chứ không nên nghĩ rằng:“Cái khó bó cái khôn”. Hơn bao giờ hết, tôi mong rằng, các anh, chị hãy nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh để vươn lên. Việc học là suốt đời, trong đó tự học là vô cùng quan trọng, là chìa khóa của thành công. Hy vọng rằng, triết lý giáo dục độc đáo “dạy ít hơn, học nhiều hơn” và “kiểm tra ít hơn, học nhiều hơn”2 góp phần giảm áp lực lên cả thầy và trò mà hệ thống giáo dục của chúng ta cần nhanh chóng điều chỉnh với nhu cầu liên tục thay đổi của cá nhân và xã hội như bài học thành công của giáo dục Phần Lan.
Quý thầy cô và các anh, chị HV, các em SV, HS thân mến!
Với quyết tâm là làm thế nào để Trường ĐHAG liên tục phát triển, tôi mong muốn tất cả chúng ta hãy luôn thay đổi để tiến bộ. Làm thế nào trong mỗi tiết dạy và học trực tuyến, thầy và trò nhận ra nhiều điều thú vị, chứ không phải là sự e ngại nữa. Tôi mong các anh, chị HV, SV và các em HS hãy đam mê sáng tạo tri thức; hãy vận động không ngừng nghỉ, có ý thức học tập trọn đời và phải đầu tư cho “công cuộc khởi nghiệp của chính mình”3 ngay từ bây giờ, cùng với quý thầy, cô hãy luôn làm mới bản thân mình để có thể đáp ứng được giáo dục trong thời đại chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Nhân buổi Lễ này, tôi xin gửi lời chúc mừng đến 3.340 tân sinh viên đã nhập học và xin nhiệt liệt biểu dương các Thủ khoa, Á khoa khóa 22 - năm 2021; chúc các em SV khóa 19, 20, 21 bậc ĐH, khóa 44, 45 bậc CĐ năm học mới thành công; chúc các em HS Trường PT THSP tiếp tục đạt được nhiều thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Tôi cũng xin ghi nhận sự đóng góp có ý nghĩa quan trọng của các tổ chức quốc tế như Lãnh sự quán: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào, Campuchia…; các tổ chức quốc tế, đặc biệt là, tổ chức KOICA thông qua ĐHQG-HCM đã tài trợ cho Trường gần 10 triệu đô-la để thực hiện Dự án “Tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại ĐHQG-HCM”; xin cảm ơn quý thầy cô, các chuyên gia trong và ngoài nước mặc dù trong năm học vừa qua không trực tiếp đến Trường nhưng cũng đã có đóng góp tích cực qua hình thức online.
Kính thưa toàn thể quý vị!
Gần 22 năm thành lập Trường4 và hơn 02 năm trở thành trường ĐH thành viên của ĐHQG-HCM5, năm học 2021-2022 là thời gian mà Trường ĐH An Giang hoàn thành giai đoạn “gia nhập” bước sang giai đoạn “hội nhập” hệ thống ĐHQG-HCM nhằm ổn định và tiếp tục phát triển, thực hiện sứ mệnh là đại sứ của ĐHQG-HCM ở ĐBSCL.
Cuối cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Ban Giám đốc ĐHQG-HCM vì đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Trường ĐHAG trong suốt thời gian qua; xin cảm ơn sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể. Tôi xin cảm ơn các tổng lãnh sự và các tổ chức, trường ĐH nhiều nước: ĐHQG Úc, ĐH Quốc gia Seoul-Hàn Quốc, Đại học West Virginia-Hoa Kỳ, Tổ chức DAAD, ĐH Giessen-Đức, Đại học Assumption, ĐH Kalasin-Thái Lan, ĐH Andalas, ĐH Pekalongan, ĐH Medan Area-Indonesia,… đã gửi thư, video clip chúc mừng; xin cảm ơn BGH các trường thành viên, Lãnh đạo Văn phòng và các ban thuộc ĐHQG-HCM; cảm ơn các vị khách quý mặc dù ngày nghỉ cuối tuần nhưng vẫn dành thời gian quý báu để dự buổi Lễ Khai giảng đáng nhớ này; xin cảm ơn các tổ chức và các nhân mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng đã tài trợ nhiều học bổng rất đáng trân trọng cho SV, HS; cảm ơn các phóng viên Đài Phát thanh – TH, Báo TW và địa phương đã theo dõi và đưa tin về sự kiện đặc biệt hôm nay.
Thay mặt lãnh đạo nhà trường, tôi xin trân trọng tuyên bố khai giảng năm học 2021-2022!
PGS,TS. Võ Văn Thắng *
* Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang.
1 Xem thêm: Thư gửi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, cùng các em HS, SV và các bậc phụ huynh năm học 2020-2021, ngày 4-9-2020 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
2 Pasi Sahlberg, Bài học Phần Lan 2.0 - Chúng ta có thể học được gì từ cải cách giáo dục Phần Lan, 2016, tr. 183, 191, 197.
3 Dẫn theo Thomas L. Friedman (2018), Cảm ơn vì đến trễ (Nguyễn Dương Hiếu, Đặng Bích Hằng dịch), Nxb. Trẻ, tr. 301.
4 Quyết định thành lập ngày 30-12-1999.
5 QĐ của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 13/8/2019.