Sinh viên chuyên ngành Hướng dẫn viên, Khoa Du lịch và Văn hóa nghệ thuật với chuyến Thực tập tốt nghiệp năm 2022

Tìm hiểu thực tế, học hỏi kinh nghiệm và trải nghiệm công việc tổ chức hoạt động hướng dẫn là mục tiêu mà Khoa Du lịch và Văn hóa - Nghệ thuật đặt ra đối với sinh viên Chuyên ngành Hướng dẫn viên trong đợt thực tập tốt nghiệp năm 2022.
Chuyến thực tập được diễn ra từ ngày 11/3/2022 đến 23/3/2022, với sự tham gia của 30 sinh viên lớp DH19VN1 và 11 sinh viên lớp CD44VN chuyên ngành Hướng dẫn viên, cùng 3 giảng viên hướng dẫn thuộc Khoa.
Đoàn thực tập lần lượt đi qua các tỉnh vùng Tây Nguyên như Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum và một số tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Toàn bộ hành trình được thiết kế với chương trình tour 12 ngày 12 đêm, gồm những điểm tham quan như: Thác Dray Sap (Đăk Nông), chùa Sắc Tứ Khải Đoan, Bảo tàng dân tộc, Buôn Đôn (Đăk Lăk), Nhà thờ gỗ (Kon Tum), Di sản khu đền tháp Mỹ Sơn, Di sản thương cảng Hội An (Quảng Nam), Lăng Khải Định, chùa Thiên Mụ, Đại nội (Thừa Thiên Huế), Thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị), Động Thiên Đường (Quảng Bình), Bà Nà hills, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng Bãi Bụt (Đà Nẵng), Bảo tàng Quang Trung, Kỳ Co, Eo Gió (Bình Định), Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên), Tháp bà Ponaga, Viện Hải Dương học, tour 4 đảo (Khánh Hòa), Vĩnh Hy, Làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận).
Tại mỗi điểm đến du lịch, sinh viên được tham quan thực tế, nghe thuyết minh viên tại điểm giới thiệu hoặc thực hành thuyết minh, học tập phương thức tác nghiệp của hướng dẫn viên theo đoàn, như: cách thức mua vé, quản lý đoàn, liên hệ dịch vụ có liên quan tại điểm... Bên cạnh đó, sinh viên còn được phân công làm việc nhóm để thực hiện công việc của một hướng dẫn viên thực thụ. Tất cả các phần việc của một hướng dẫn viên sẽ được sinh viên thực hành như: chào đoàn, giới thiệu lịch trình, thuyết minh, tổ chức hoạt động giải trí trên xe, chăm sóc khách tại điểm ăn, quản lý đoàn tại điểm tham quan, check in/check out tại khách sạn và xử lý tình huống gặp phải nếu có. Mỗi thành viên trong nhóm được phân công từng nhiệm vụ cụ thể và chịu trách nhiệm chính bên cạnh sự hỗ trợ của nhóm.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cá nhân cũng như nhóm được giáo viên hướng dẫn đặt câu hỏi để đánh giá về kiến thức và đưa ra những tình huống xử lý để đánh giá về nghiệp vụ. Mỗi phần việc của cá nhân và nhóm đều được giáo viên hướng dẫn nhận xét, góp ý bổ sung, điều chỉnh theo thực tế. Qua đó, các bạn sinh viên nhận ra những hạn chế, thiếu sót để điều chỉnh và rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, sinh viên còn được yêu cầu phải có sản phẩm sau chuyến thực tập với hình thức là bài báo cáo. Nội dung báo cáo xoay quanh các vấn đề chính là sinh viên đã học được gì, làm được gì và tự rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Tuy phương thức học tập và thực hành có phần bị áp lực, nhưng các bạn sinh viên đều hứng thú, vì được cọ xát với công việc thực tế của nghề nghiệp tương lai. Từ đó, mỗi bạn có cái nhìn đầy đủ hơn về công việc hướng dẫn viên du lịch, cũng như có sự xác định lại tính phù hợp của bản thân với nghề được đào tạo.
Chuyến thực tập được khép lại với kết quả rất thành công và an toàn trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp. Với 12 ngày trải nghiệm thực tế và thực hành công việc hướng dẫn, các bạn sinh viên đã có khoảng thời gian học tập bổ ích, thiết thực, lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp của tập thể lớp. Mỗi thành viên đều có ý thức tốt trong việc học nên đều hoàn thành nhiệm vụ từ mức khá trở lên, trong đó có những sinh viên nổi bật, hứa hẹn sẽ là những hướng dẫn viên tiềm năng.
Từ chuyến thực tập đánh giá được kết quả dạy và học của giảng viên và sinh viên, cũng như phản ánh chất lượng đào tạo của Khoa Du lịch và Văn hóa – Nghệ thuật đối với sinh viên theo học chuyên ngành Hướng dẫn viên.
Phong Vũ & Tố Phương